Chuyện tình của Mẹ – Câu chuyện nhân văn

✍️Loan Ngẫn

Mẹ tôi dẫn chú Tình câm về nhà trong một chiều mưa đầu tháng Giêng. Cữ ấy mưa dầm dề suốt từ hôm mùng một Tết.

Chú Tình câm mặc cái áo màu gì không rõ, nom cứ lẫn vào hoàng hôn sau lưng chú và mẹ tôi. Mẹ tôi vào nhà trước, chú Tình bẽn lẽn bước theo sau, cái dáng cao to của chú như cố thấp xuống để bám víu dựa dẫm vào người đàn bà là mẹ tôi đang đi phía trước.

Ông nội tôi ngồi trên bộ phản kê ở giữa nhà. Tiếng bà nội húng hắng ho ở gian hồi. Cả hai ông bà đang chờ đón một sự kiện rất trọng đại.

Cha tôi làm nghề đánh đá xanh trên dãy núi Phù ninh. Tôi chửa kịp lớn để nhớ rõ mặt thày thì buổi chiều hè năm ấy nhà tôi ràn rạt những người. Dân làng và những người bạn cùng khai thác đá võng cha tôi về trên một cái cáng. Tôi chỉ thấy mẹ tôi hét lên một tiếng : Anh ơi… rồi mẹ đổ vật xuống nền nhà. Người cha tôi nát bấy, máu me, rồi cuối cùng cũng được nằm tươm tất trong một chiếc quan tài màu vàng vàng có tua rua rủ rất đẹp.

Ông bà nội tôi sau cái ngày kinh hoàng khi một tiếng nổ long trời phát ra từ dãy núi sau làng ấy thì ngơ ngẩn ốm đau. Bởi người đánh mìn khai thác đá đấy chính là cha tôi. Và sau tiếng nổ ấy nửa ngọn núi sạt lở vỡ toang, cha tôi bị hất tung lên và đất đá lấp vùi phân nửa thây người. Tôi mất cha, mẹ tôi mất chồng. Ông bà tôi mất người con để dựa cậy lúc tuổi già.

Chú Tình khép nép, tay chân như thừa thãi, ông nội tôi nhìn chú chằm chằm như móc ra từng đường kim mũi chỉ trong chiếc áo trên người chú. Chú lí nhí chào ông bà tôi một câu gì đó nhưng tiếng chú run rẩy bị tiếng sụt sịt, và tiếng nấc khan của bà nội tôi đè chìm nghỉm.

Tôi cũng không còn nhớ nhập nhoạng tối hôm ấy, mẹ tôi nói với ông bà nội thế nào về sự hiện diện của chú Tình trong nhà tôi. Tôi chỉ nhớ buổi sáng sớm ngày hôm sau, khi tôi tỉnh giấc thì đã thấy bà nội không còn nằm bên tôi như mọi khi nữa. Giữa nhà những bóng sáng tối được hắt xuống bởi chiếc đèn dầu to tướng ông tôi thắp trên đình tủ. Chiếc đèn này hiếm khi thắp sáng. Nó chỉ được thắp lên khi nhà tôi có một sự kiện hệ trọng nào đó.

Đúng bảy giờ sáng, ông bà nội tôi khăn vấn áo the, mẹ tôi mặc một chiếc áo sẫm màu nửa mạc. Thằng cu Thóc khi ấy mới mười lăm tháng tuổi được chú Tình địu sau lưng. Hai tay chú bưng mâm lễ, gồm một đĩa hoa quả, một cút rượu trắng, cơi trầu có ba quả cau lại buồng mà ông tôi bảo lựa mãi mới được. Mẹ dắt tay tôi, bàn tay mẹ nóng hổi, tôi có cảm giác mọi mạch máu trong cơ thể mẹ đều bấn loạn lo âu, nhưng sự quả quyết từ đáy mắt mẹ đã dồn ép sự bấn loạn đó vào một khuôn phép nhất định.

Ông tôi đánh ba tiếng trống trong nhà thờ họ. Lát sau ông trưởng họ và mấy ông cao lão trong họ lục tục đi sang. Ông tôi kính cẩn thắp nhang rồi trang trọng nói với ông trưởng tộc rằng thì là ông bà sắm chút lễ mọn để trình tổ cho mẹ tôi lấy chồng là chú Tình.

Tôi còn quá bé để chả thể biết những “sóng bể, miệng đời” sau khi ông bà và mẹ tôi công khai việc mẹ lấy chú Tình ra nhà thờ họ. Với bàn dân thiên hạ, chú Tình câm ko những câm mà chú còn không cha không mẹ, cả đời chỉ biết làm thuê, chú lấy người xấu xí còn khó chứ lại là lấy mẹ tôi, cho dù gái goá nhưng trước kia mẹ tôi đẹp người đẹp nết nức tiếng một vùng. Thế mà mẹ tôi lại đích thân là người “tán” chú Tình câm trước, hàng ngày mẹ cứ nhờ vả chú bê vác thóc gạo cho mẹ rồi thì là người ta bảo một lần mẹ gạ chú Tình: Anh Tình lấy tôi nhé? Chú gật đầu thế là mới có cái việc mẹ dẫn chú về ra mắt ông bà.

Mỗi buổi sáng tôi thức dậy thì mẹ đã đi chợ buôn bán tự lúc nào. Ông nội tôi ngồi bên ấm trà mạn chú Tình câm vừa pha cho ông. Lưng chú địu thằng em tôi ngủ gà ngủ gật, khi ấy nó mới chưa được tròn hai tuổi. Chú bê cho bà tôi bát cơm nóng rẫy với vài con tôm rang tới tận đầu giường. Ông tôi với tôi và chú Tình cùng thằng em khi thì bát cơm rang, khi thì bát mì chú nấu rồi chú dắt tôi đi học. Buổi trưa về nhà vẫn là hình ảnh chú Tình địu thằng em trên lưng vì nó nghịch ngợm và đi chưa thật vững chú sợ nó ngã. Chú rửa chuồng heo, chăm con bò mẹ đang trở dạ. Gợt mấy luống khoai vừa bén rễ rồi thì là lại đỡ ông nội tôi lưng đau còng xuống mỗi khi trái gió trở trời.

Mẹ tôi buôn bán hàng xáo, đận mùa màng thì canh lúc nhà nông phơi già quạt sạch đi đong thóc ủ vào mấy ang thóc mé nhà dưới. Mùa tháng ba hay giáp hạt lại xay xát dần sàng đem bán khắp nơi.

Tôi lớn lên chút nữa mới biết bao nhiêu cay cực sau cái đận cha tôi mất mạng vì đánh mìn phá núi. Mẹ tôi trẻ đẹp nhất vùng ngày ấy, và lại là gái goá nên đàn ông luôn ve vãn đuổi săn. Có bữa mẹ đi chợ người ta chặn đường chọc ghẹo, rồi thì là cây ngay đấy nhưng “gái không chồng như rác như rơm” nên nhiều bà vợ ghen tuông bóng gió thoá mạ chửi bới mẹ nhiều lần.

Ông ngoại tôi ngày ấy lấy một bà nằm lẽ ở làng bên vì bà ngoại tôi chết trẻ. Chính bà dì ghẻ ấy đã nhiều lần xúi giục ông tôi xuống đón mẹ tôi về để gả chồng lần hai cho mẹ. Bởi bà ta nghĩ mẹ tôi xuân sắc, goá chồng sớm ở tuổi mới ba mươi, chả tội gì mà ở lại nhà chồng phụng dưỡng bố mẹ chồng già.

Mười năm năm sau ngày cha tôi mất, mười hai năm sau khi mẹ lấy chú Tình câm, mẹ tôi và chú Tình cất một căn nhà kiểu mái Thái rất đẹp. Ông bà nội tôi hỉ hả vui vẻ ra mặt. Chú Tình câm vẫn một mực kính chiều, hiếu đễ với ông bà nội. Còn với riêng mẹ tôi, chú vẫn nhẹ nhàng nâng niu chiều chuộng như chú chưa phải chồng của mẹ mà mới chỉ là yêu. Cái cách mà chú đỡ lấy cái xe đạp khi mẹ tôi vừa chạy chợ trở về nhà. Cái cách mà chú xách thùng nước rồi pha nước nóng cho mẹ tắm, cái cách mà chú hãm ấm nước nụ vối rồi đóng chai để vào túi cho mẹ tôi mang đi uống dọc đường. Cái cách mà chú ủ cặp lồng cơm phần mẹ tôi trong những ngày mùa đông mẹ tôi về muộn bữa. Nhìn ánh mắt mong ngóng đầy thương yêu của chú nhìn ra ngõ hóng mẹ tôi về thì cả tôi và ông bà nội biết chú Tình câm thương mẹ tôi tới cỡ nào.

Tôi nhớ hồi tôi còn bé, chú Tình câm mới về ở nhà tôi, có những chiều gió mưa mẹ không chạy chợ. Mẹ cứ ngồi lỳ trong buồng tay cầm bức di ảnh của cha tôi, mẹ vừa ôm thật chặt tấm ảnh ấp vào ngực mẹ, mẹ vừa gục đầu vào tấm áo cha tôi thường mặc mà mẹ giữ lại được sau khi ông nội tôi gói ghém hết đồ đạc của cha để trôi sông cho mát mẻ vong hồn.

Sau này, lắm khi mẹ mặc kệ cả nhà chờ cơm, mặc kệ chú Tình đứng ngóng, vừa chạy chợ về là mẹ chạy lên phòng thờ ngắm di ảnh của cha. Chắc mẹ nhớ cha quá bởi ngoài kia chợ đời đầy bon chen và ác hiểm, mẹ lại là thân gái dặm trường đơn độc một mình chăng!

Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp của mẹ, ông bà và cả chú Tình câm. Chị em tôi những tháng năm còn đi học luôn được chú Tình bảo bọc chở che hơn những đứa trẻ đầy đủ cha mẹ khác. Thằng em tôi lớn đễu nhưng những lúc trời mưa, chú Tình câm vẫn đón đưa, vẫn mang áo mưa đứng chờ nó ở cổng trường rồi cõng nó về bởi chú sợ nó nghe tiếng sấm chớp rồi sợ hãi.

Mỗi bữa cơm, chú Tình ngồi đầu nồi thường hớt phần cơm bên trên riêng một bát, rồi chú mới xới phần cơm dưới xốp mềm cho ông bà nội. Ông tôi vẫn bảo: thường thì là, khi mà chưa cưới được cô, chàng ăn cơm hớt với hàm cá rô. Đến khi chàng cưới được cô, cơm hớt phần mẹ, hàm cá rô phần thày. Còn chú Tình thì khác…

Ông bà tôi bách niên, giai lão, hai cụ thọ tới hơn chín mươi tuổi trời nhờ công lao chăm bẵm bao năm của chú Tình câm. Ba mẹ con tôi cũng yên ấm bình an nhờ có chú.

Những ngày cuối cùng trước khi ông tôi qua đời, ông gọi chú Tình câm và mẹ đến cạnh giường. Ông nắm tay chú Tình câm mãi rồi tha thiết gọi : Con trai…
Ông cầm tay mẹ đặt vào tay chú Tình câm. Ông nghẹn ngào nói ông bà đã từng thấy rất đau lòng khi mẹ đưa chú Tình câm về ra mắt và nói lấy chú làm chồng. Nhưng rồi ông nghĩ chắc mẹ phải có lý do gì đó thật sự đáng mẹ mới phải làm thế, bởi ông biết mẹ tôi và cha tôi rất rất yêu nhau. Ông tôi nói, càng sống với chú Tình câm ông bà càng thấy lựa chọn của mẹ là đúng đắn nhất. Có thể với người đời, việc mẹ tôi lấy chồng hoặc lấy chú Tình câm là đã quên đi tình yêu với cha tôi ngay được. Nhưng ông bà hiểu, tình yêu với một người không chỉ thể hiện bằng lời nói, bằng sự chung thuỷ thân xác, mà tình yêu đó còn được thể hiện bằng những việc làm chính đáng và quan tâm đến những người thân của họ nữa. Mẹ tôi đã chọn lựa cách thể hiện tình yêu sắt son với cha tôi bằng cách làm cho những người thân yêu của cha tôi được sống một cuộc sống bình yên và đủ đầy cho dù cha tôi không còn nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *